Ngành cơ khí gặp khó khi hội nhập |
Thứ tư, 04 / 08 / 2010 | |||
- Năng lực cạnh tranh của ngành cơ khí Việt Nam được đánh giá là không cao. Khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, các hàng rào bảo hộ bị bãi bỏ thì ngành cơ khí sẽ gặp nhiều khó khăn. Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công nghiệp) cho biết, theo bảng xếp loại về khả năng cạnh tranh, chia làm 3 nhóm gồm: nhóm có khả năng cạnh tranh; nhóm có khả năng cạnh tranh có điều kiện và nhóm có khả năng cạnh tranh thấp, thì ngành cơ khí Việt Nam được xếp vào vị trí thứ 6 trong số 19 ngành hàng thuộc nhóm có khả năng cạnh tranh có điều kiện. Ngay trong các chuyên ngành có khả năng cạnh tranh được như là chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, máy động lực cỡ nhỏ dưới 30 mã lực, chế tạo thiết bị toàn bộ, động cơ điện, dây và cáp điện... cũng đòi hỏi phải được hỗ trợ đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ, tăng cường tiếp cận và mở rộng thị trường nhiều nữa thì mới có khả năng hội nhập hiệu quả. Còn các chuyên ngành như chế tạo máy công cụ và máy chính xác, sản xuất ôtô, chế tạo phụ tùng, máy móc cho các ngành Dệt-may, Da-giầy, Rượu-bia-nước giải khát... là các chuyên ngành khó có sức cạnh tranh nếu không được đầu tư thích đáng cùng các chính sách bảo hộ mạnh của Nhà nước. Tồn tại lớn nhất của ngành cơ khí Việt Nam hiện nay là phần lớn các nhà máy sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín, thiếu những nhà máy hiện đại, chủ lực để làm trung tâm cho việc chuyên môn hoá, hợp tác hoá.Công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể là công nghệ giản đơn, lạc hậu so với khu vực. Thời gian qua, ngành cơ khí cũng đã có nhiều khởi sắc, đạt được một số thành tựu lớn. Nếu như vào đầu những năm 1990 ngành cơ khí chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu trong nước thì ở giai đoạn hiện nay đã đáp ứng được 35% nhu cầu. Tốc độ tăng trưởng của ngành cơ khí từ năm 1995 đến 2005 đạt trên 40%/năm. Hiện nay ngành cơ khí đã xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD/năm. Nhưng có lẽ do đi từ xuất phát điểm quá thấp, có giai đoạn bị thả nổi, được đầu tư quá ít nên khi bước vào hội nhập ngành cơ khí là ngành sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhất. Theo ông Nguyễn Xuân Chuẩn - Chủ tịch Hội cơ khí Việt Nam, khi bước vào hội nhập, ngành cơ khí sẽ gặp 6 thách thức lớn: Sự quản lý thị trường kém hiệu lực, lỏng lẻo đang diễn ra đối với các sản phẩm cơ khí. Do chưa có đầy đủ các phương tiện, thiết bị kiểm tra cùng trình độ của cán bộ quản lý thị trường yếu nên nhiều sản phẩm cơ khí không đạt tiêu chuẩn sẽ vẫn được lưu thông trên thị trường, hàng lậu, hàng giả sẽ hoành hành. Ngành cơ khí còn thiếu nhiều hiệp hội chuyên ngành để tập hợp, phối hợp lực lượng phân công chuyên môn hoá, hợp tác hoá làm tăng sức mạnh cạnh tranh. Năng lực marketing còn yếu kém. Các doanh nghiệp cơ khí của ta mới chỉ biết làm ra sản phẩm, còn làm tiếp thị bán sản phẩm thì rất kém. Ngành cơ khí đòi hỏi chất lượng lao động cao, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ có 19% số lao động được đào tạo. Số lao động có trình độ đại học và cao hơn chỉ chiếm 15%. Đây là thách thức lớn cần nhiều thời gian và nỗ lực mới khắc phục được. Năng lực tư vấn và thiết kế của ngành cơ khí thấp vì vậy chúng ta phải thuê tư vấn, mua thiết kế của nước ngoài để làm các công trình và sản phẩm quan trọng. Phân tích về vấn đề này, ông Ngô Văn Trụ - Vụ cơ khí luyện kim và hoá chất Bộ Công nghiệp cho biết: xét về khía cạnh thương mại thì các nước ASEAN tương đồng như ta về cơ cấu tài nguyên, nhưng họ có điều kiện vốn và công nghệ do đó khả nănng cạnh tranh sẽ hơn ta. Các nước ASEAN cũng có chiến lược hướng đến xuất khẩu sớm hơn ta. Hiện nay việc buôn bán giữa các nước ASEAN đã tăng lên. Trong giai đoạn 2000-2005 tỷ trọng buôn bán giữa các nước thành viên đã chiếm 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó các mặt hàng thuộc CEPT (Danh mục cắt giảm thuế quan chung AFTA) chiếm tỷ trọng lớn hơn kim ngạch buôn bán. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu, còn nhập khẩu từ ASEAN chiếm 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy với ASEAN Việt Nam ở tư thế nhập siêu. Về cơ cấu mặt hàng, ta xuất sang ASEAN chủ yếu gồm dầu thô, gạo, đậu, cao su, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, hoa quả tươi, thuỷ sản... Những mặt hàng này các nước ASEAN đưa vào CEPT để cắt giảm thuế chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, vì vậy ta không được lợi nhiều từ xuất khẩu. Tác động kích thích chủ yếu của CEPT là nhằm vào các hàng công nghiệp chế biến, nhưng trình độ chế biến của ta lại thấp hơn các nước ASEAN vì vậy họ sẽ có ưu thế hơn trong việc bành trướng hàng hoá sang ta. Vì thế có thể đi đến kết luận với cơ cấu xuất khẩu như hiện nay thì lợi ích mà Việt Nam thu được từ AFTA là không đáng kể. Nếu ngành công nghiệp cơ khí không nhanh chóng tăng sức cạnh tranh thì các nước ASEAN sẽ lợi dụng CEPT để chiếm lấy thị phần lớn hơn ở Việt Nam. Mục tiêu của ngành cơ khí đến 2010 là đáp ứng được 45%-50% nhu cầu sản phẩm trong nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Nói về vấn đề này các chuyên gia cơ khí cho rằng nếu không có một chương trình tổng thể với những nội dung và lộ trình hợp lý thì ngành cơ khí khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Những nội dung đó là phải đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ khí để có khả năng nâng cao trình độ thiết kế, tiếp thu kỹ thuật tiên tiến, thực hiện phương châm đi tắt đón đầu để đạt được trình độ hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ; tập trung vào các sản phẩm cơ khí trọng điểm, tức là các nhóm hàng có khả năng cạnh tranh nhằm chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sản xuất và xuất khẩu; tăng cường liên kết phân công chuyên môn hoá và xúc tiến thương mại... Có như vậy ngành cơ khí mới tăng sức cạnh tranh khi hội nhập đang đến gần.
|