Cơ khí: Mục tiêu trong tầm tay |
Thứ tư, 04 / 08 / 2010 | |||
Chỉ trong thời gian ngắn, ngành cơ khí chế tạo đã có sự phát triển ấn tượng, đáp ứng nhiều hơn các nhu cầu trong nước và từng bước trở thành ngành mũi nhọn xuất khẩu mới. Các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cơ khí chế tạo như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng công ty Lắp máy (Lilama), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) đều đặt ra mục tiêu phát triển khá cao cho năm 2006. Chỉ tiêu doanh thu của Vinashin và Lilama năm nay nhiều hơn tới một nửa so với kết quả thực hiện trong năm trước. Còn với MIE, tuy khiêm tốn hơn nhưng chỉ tiêu doanh số cũng tăng trên 20%. Trên đây chỉ là một vài cái tên được ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Công nghiệp, nhắc đến để minh họa cho sự vươn lên của ngành cơ khí, với tốc độ phát triển bình quân trên 30% mỗi năm và hiện chiếm hơn một phần năm giá trị tổng sản lượng của ngành công nghiệp. Ngành cơ khí chế tạo Việt Nam những năm gần đây đã tiến bộ ngoài dự kiến, nhất là sau khi có chiến lược phát triển ngành, kể cả về tốc độ phát triển lẫn trình độ công nghệ, ông Hào nói. Năm 2002, khi Chính phủ thông qua chiến lược phát triển ngành cơ khí với tám nhóm sản phẩm trọng điểm và mục tiêu tổng quát là đến năm 2010 đáp ứng 45- 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, kim ngạch xuất khẩu chiếm 30% giá trị tổng sản lượng, không ít doanh nghiệp trong ngành đã cho rằng đây là mục tiêu khó thực hiện. Vào thời điểm đó, có lẽ ít ai ngờ Việt Nam chẳng những đạt mà còn có khả năng hoàn thành những nội dung cụ thể trong chiến lược trước thời hạn. Ông Đỗ Hữu Hào khẳng định : Với xu hướng phát triển như hiện nay, việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược đề ra cho ngành cơ khí vào năm 2010 là điều chắc chắn. Đến năm 2005, ngành này đã đáp ứng được 35% nhu cầu cơ khí của cả nước và xuất khẩu chiếm một phần năm giá trị. Khoảng ba năm trở về trước, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chủ yếu chế tạo những sản phẩm phi tiêu chuẩn, mức độ phức tạp không cao. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã đạt nhiều tiến bộ về công nghệ, sản xuất được nhiều loại thiết bị đồng bộ cung cấp cho các ngành công nghiệp quan trọng như điện lực, xi măng, mía đường, giấy và bột giấy, phân bón, chế biến thực phẩm Theo nhận xét của Bộ Công nghiệp, đây là thành tựu đáng kể nhất. Ông Hào đưa ra một vài thí dụ điển hình : Trong lĩnh vực điện lực, ngành cơ khí Việt Nam đã đủ sức cung cấp toàn bộ phần thiết bị thủy công cho các nhà máy thủy điện, là sản phẩm mà trước đây không lâu còn phải nhập từ nước ngoài. Những thiết bị lò hơi do Lilama chế tạo chẳng những được nhà thầu quốc tế chọn để lắp đặt trong các nhà máy nhiệt điện trong nước, mà còn cho cả những dự án ở nước ngoài. Riêng turbine phát điện, thiết bị quan trọng trong các nhà máy điện, Việt Nam đã có thể chế tạo được loại có công suất đến 50MW, sử dụng cho những nhà máy thủy điện nhỏ. Ngoài ra còn phải kể đến những dây chuyền sản xuất xi măng công suất một triệu tấn/năm, trong đó có trên 70% khối lượng thiết bị được chế tạo trong nước... Năm ngoái Việt Nam nhập 5,2 tỷ USD máy móc thiết bị và phụ tùng, tương đương với giá trị nhập khẩu của năm trước đó và giảm 250 triệu USD so với năm 2003. Trong khi đó, đầu tư của toàn xã hội thì vẫn tăng đều với tốc độ bình quân gần 19%/năm. Theo Bộ Công nghiệp, nhập khẩu thiết bị trong hai năm qua không tăng tương ứng với tốc độ tăng đầu tư không phải vì các doanh nghiệp hạn chế mua sắm thiết bị, công nghệ và mở rộng sản xuất, mà do tác động của ngành cơ khí chế tạo trong nước. Nó chứng tỏ thiết bị trong nước chế tạo đã dần thay thế được hàng nhập khẩu, đồng thời khả năng cạnh tranh cũng tăng lên. Vươn ra nước ngoài Máy móc, thiết bị cơ khí cho đến nay vẫn chưa có tên trong danh mục những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Tổng cục Thống kê, nhưng điều đó không có nghĩa phần đóng góp của nhóm mặt hàng này trong kim ngạch xuất khẩu chung còn nhỏ bé. Năm ngoái ngành cơ khí chế tạo Việt Nam đã đạt giá trị xuất khẩu xấp xỉ một USD, ông Đỗ Hữu Hào cho biết. Những tháng đầu năm nay, nhiều công ty nước ngoài tiếp tục tìm đến Việt Nam để đàm phán và tìm hiểu thông tin nhằm tiến tới ký các hợp đồng đóng tàu mới. Trong đó có những cuộc thảo luận về khả năng ký hợp đồng đóng tàu hàng rời trọng tải 56.000 tấn và tàu container có sức chở trên 1.700 TEU (container tiêu chuẩn dài 20 feet). Bộ Công nghiệp cho rằng, nhiều khả năng ngành đóng tàu Việt Nam sẽ đạt được giá trị xuất khẩu mỗi năm một USD kể từ sau năm 2010. Tuy còn ý kiến khác nhau về giá trị gia tăng của ngành này, công nghiệp đóng tàu vẫn đang đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành cơ khí. Ngoài hai đầu tàu kể trên, nhiều doanh nghiệp cơ khí khác cũng đang đóng góp tích cực vào triển vọng xuất khẩu chung của ngành này, với các sản phẩm như: máy móc gia công cơ khí, thiết bị giàn khoan dầu khí, động cơ diesel, máy phát điện, thiết bị sản xuất xi măng và nhà máy điện, dây chuyền cán thép và các loại dây chuyền chế biến trong ngành lương thực - thực phẩm, xe gắn máy và phụ tùng... Hàng cơ khí Việt Nam đã có mặt ở hơn 20 nước, trong đó có những khách hàng lớn đến từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và Nga. Kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp cơ khí cho thấy, bệ phóng để máy móc, thiết bị Việt Nam tiếp cận được với thị trường thế giới chính là từ những dự án đầu tư ở trong nước. Thông qua hợp đồng cung cấp thiết bị cho các công trình lớn do công ty nước ngoài làm tổng thầu và dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam đã dần xây dựng được lòng tin của họ về chất lượng sản phẩm, cộng với giá bán có sức cạnh tranh cao. Từ đó, khi trúng thầu hoặc tiếp tục triển khai dự án đầu tư ở nước khác, không ít công ty và nhà thầu nước ngoài đã trở lại đặt hàng máy móc, thiết bị của Việt Nam. Vì sao thành công? Từ lâu cơ khí đã được xem là ngành trọng điểm trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc gia, nhưng suốt thời gian dài ngành này vẫn manh mún, èo uột, thậm chí có lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Chỉ từ khoảng bốn năm nay mới bắt đầu khởi sắc. Tuy được xem là ngành trọng điểm, nhưng mãi đến năm 2002 Việt Nam mới đưa ra được chiến lược phát triển tương đối rõ ràng và cụ thể cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho ngành cơ khí. Theo Bộ Công nghiệp, đây là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến kết quả như ngày hôm nay. Trong đó, chính sách khuyến khích, thậm chí là có phần ép buộc, các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước phải sử dụng thiết bị trong nước chế tạo đã góp phần không nhỏ vào sự khởi sắc của ngành này. Thời gian đầu, chính sách này không được một số doanh nghiệp nhà nước ủng hộ vì chưa tin tưởng chất lượng sản phẩm trong nước chế tạo. Hơn nữa, một số sản phẩm lại có giá bán cao hơn của nước ngoài, chẳng hạn như tàu biển. Nhưng giờ đây nhìn nhận của khách hàng trong nước đã dần thay đổi. Có thể thấy, trong chừng mực nào đó, biện pháp này đã phát huy tác dụng. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp trong ngành cũng nỗ lực vươn lên để xóa dần tâm lý thiếu lòng tin đối với sản phẩm của họ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành cơ khí cũng có tinh thần hợp tác với nhau hơn, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư khép kín để mở rộng liên doanh, liên kết, đi vào chuyên môn hóa nhằm cùng nhau sản xuất ra những thiết bị đạt chất lượng theo yêu cầu thị trường và giá cả cạnh tranh. Về tài chính, Chính phủ có chính sách hỗ trợ thông qua việc cấp tín dụng đầu tư với lãi suất ưu đãi. Nhưng Bộ Công nghiệp cho rằng ảnh hưởng của nó không nhiều do vướng mắc về thủ tục hành chính nên tốc độ giải ngân rất chậm, tới nay mới được 15-20%. Vì vậy, đa phần vốn đầu tư của doanh nghiệp cơ khí vẫn là từ nguồn vay thương mại. Chính sách khuyến khích, thậm chí là có phần ép buộc, các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước phải sử dụng thiết bị trong nước chế tạo đã góp phần không nhỏ vào sự khởi sắc của ngành cơ khí trong nước. Thông qua hợp đồng cung cấp thiết bị cho các công trình lớn do công ty nước ngoài làm tổng thầu, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam đã dần khẳng định về chất lượng sản phẩm và giá bán có sức cạnh tranh cao. Từ đó, không ít công ty và nhà thầu nước ngoài đã đặt hàng máy móc, thiết bị của Việt Nam để lắp đặt cho các công trình ở nước ngoài.
|